Xuất bản thông tin

null Nghề đan ghế nhựa tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Nghề đan ghế nhựa tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi

Xã Tân Thuận Tây là xã vùng ven TP.Cao Lãnh, đời sống người dân chủ yếu gắn với nghề nông và mua bán nhỏ. Để giúp hội viên có việc làm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hội LHPN xã Tân Thuận Tây đã liên hệ các ngành chuyên môn Thành phố mở lớp dạy nghề đan ghế nhựa. Nghề này đang duy trì và phát triển, nhất là vào dịp cuối năm.

Các chị đan sản phẩm bằng dây nhựa

Tại cơ sở đan dây nhựa của chị Nguyễn Huỳnh Thúy An, ở ấp Tân Dân xã Tân Thuận Tây những ngày cận tết nguyên đán Tân Sửu vui hơn hẳn so với ngày thường, tiếng cười nói rôm rả. Những bàn tay thoăn thoắt đan sản phẩm của người làm và hỗ trợ, hướng dẫn nhau để cùng hoàn thành sản phẩm nhanh nhất, đảm bảo các sản phẩm đẹp, đúng kích thước, kiểu dáng theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng và chủ cơ sở. Tại đây có khoảng 10 người đan ghế nhựa, hơn 200 chị mang vật dụng về nhà làm trong lúc nhàn rỗi. Cơ sở của chị Thái An hiện có 30 mẫu sản phẩm dùng trang trí trong nhà và vật dụng cho trẻ em.

Chị Thái An còn cho biết, nghề đan các sản phẩm bằng dây nhựa khá đơn giản; chỉ cần học nghề từ 7- 10 ngày, là các chị em có thể nhận hàng là dây nhựa, khung về nhà đan gia công. Người đan giỏi có thể đan từ 3-10 sản phẩm/ngày, thường thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Có chị làm giỏi một tuần nhận được 1.500.000đồng đến 1.800.000đồng/tuần như chị Trần Thị Phượng ở ấp Tân Chủ, chị mang hàng về làm, cả chồng cùng tham gia, bình quân một tuần thu nhập 1.500.000đồng, cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều. Chị Trần Thị Phượng chi sẻ: Tết giao nhà tôi 1.000 cái, chất đầy nhà cũng như mình có tiền ăn tết, lúc trước nhờ con mình đi làm gởi tiền về không hà, mình ở nhà bán buôn này kia, bây giờ lớn tuổi thức đêm bán cực khổ lắm, từ hồi đan cái này nghỉ làm bánh, làm cái này. Coi như tôi đan cái này hoài.

Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm ra

Hầu hết các lao động làm việc tại cơ sở này phần đông là các chị em phụ nữ lớn tuổi, bận công việc nhà và đưa đón con đến trường, không có điều kiện đi làm ăn xa. Gia đình ít đất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, thu nhập không ổn định, nhờ có nghề đan ghế bằng dây nhựa gia đình chị Nguyễn Thị Bé Năm ở ấp Tân Hậu cũng có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nhất là có nguồn thu nhập trang trãi chi phí gia đình trong những ngày tết nguyên đán sắp tới. Chị Nguyễn Thị Bé Năm cho biết thêm: Ông xã mất không có chuyện gì làm, trồng rau bán vậy thôi. Bây giờ làm nghề này không trồng rau bán nữa, có tiền xoay xở trong nhà, tháng cũng lãnh vài triệu. 

Nhờ sự tỉ mỉ, khéo tay của người lao động, nên các sản phẩm do Tổ đan sản phẩm dây nhựa ở ấp Tân Dân làm ra được đánh giá rất cao, hàng tháng Tổ gia công hoàn thành sản phẩm giao cho Công ty ở tỉnh Bình Dương. Chị Nguyễn Huỳnh Thái An - Chủ cơ sở đan dây nhựa ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây cho biết thêm về nghề này: Thường thường cái dịp tết người ta làm nhiều hơn. Trong dịp tết này ra 10.000 cái khung, qua tết còn khoảng 8.000. Nói chung người nào mới thì sẽ đưa những sản phẩm dễ, người nào làm được sản phẩm nào mới đưa, chứ đưa sản phẩm khó người ta làm không được.. Mong muốn có nhiều tổ hợp ra nữa, mở rộng ra thêm để cho nhiều người không có đi làm nắng này kia bên ngoài thì ở nhà làm, tại vì mức bình quân tay nhanh cũng 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

Có thể nói, nghề đan bàn ghế nhựa khá phù hợp với nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn. Sau khi thuần thục nghề, những lao động này có thể tự dạy nhau, nhận nguyên liệu về nhà làm, giúp cải thiện thu nhập của gia đình. Chị Nguyễn Thị Thu Bích - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Tây nói: Nói chung nghề đan dây nhựa trong xã cũng phù hợp với nhu cầu của chị em, không chỉ riêng về phụ nữ mà có thể cho nam, lớn tuổi làm cũng được, nhỏ tuổi cũng được, học sinh cũng làm được, tạo công ăn việc làm cho chọ em trong lúc nhàn rỗi, mấy người làm vườn cũng tham gia được hết. Thời gian tới có thể mình nhân rộng ra thêm để có thu nhập thêm, có nghề đan này thứ nhất là làm việc nhà, trông cháu cũng được nên chị em rất phấn khởi.

Hiện nay, mô hình Tổ đan các sản phẩm bằng dâu nhựa đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, hiện đang giúp nhiều lao động nông thôn tại xã Tân Thuận Tây nói riêng và TP.Cao Lãnh có điều kiện phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định, nhất là vào dịp tết để từng gia đình có nguồn thu nhập trang trãi trong gia đình, để có cái tết vui vẻ, đầm ấm.

Phương Nga