Xuất bản thông tin

null Những lão nông góp phần làm nên thương hiệu cho Xoài Đồng Tháp

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Những lão nông góp phần làm nên thương hiệu cho Xoài Đồng Tháp

Năm 2022, thành phố Cao Lãnh có 10 sản phẩm được bình chọn đạt OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có sản phẩm Xoài Cát Chu sấy dẻo của lão nông Trần Quang Thâu, (72 tuổi) ngụ ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh.

Ông Trần Quang Thâu, với sản phẩm xoài sấy dẻo

Gia đình ông Trần Quang Thâu canh tác khoảng 0,56 ha xoài Cát Chu Cao Lãnh và xoài Đài Loan, là nguồn kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, khoảng năm 2019, khi vụ xoài chính vụ bước vào mùa thu hoạch rộ, giá xoài trên thị trường bắt đầu lao dốc không phanh, có thời điểm, thương lái thu mua xoài nguyên liệu tại vườn chỉ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 10.000 đồng – 12.000 đồng/kg. Thời điểm đó, ông Thâu suy nghĩ phải tìm giải pháp để chế biến xoài, vì chỉ có chế biến mới có thể nâng cao giá trị cho trái xoài.

Rồi “trong cái khó chợt ló cái khôn”, ông Thâu nhớ lại nhiều năm về trước khi xoài vào vụ mùa, xoài chín cũng rụng đầy vườn, gia đình ông cắt gọt phơi khô và biếu tặng bạn bè, người thân. Ăn xong, ai cũng khen ngon và nghiện món xoài chín phơi khô nhà ông Thâu. Điều đó đã giúp ông Thâu nung nấu suy nghĩ, mua máy sấy về sản xuất thử nghiệm xoài sấy dẻo. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn thành công không phải là chuyện một ngày một bữa.

Ông Trần Quang Thâu tâm sự: “Sau khi tìm hiểu về một số máy móc, công nghệ sấy xoài hiện nay, tôi nhận thấy việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật sấy lạnh như nhiều doanh nghiệp lớn đang áp dụng thì sẽ không phù hợp với tiêu chí sấy mộc của tôi. Vì áp dụng kỹ thuật sấy lạnh thì không thể giữ được trọn vẹn hương vị ngọt thanh, đậm đà đặc trưng của trái xoài Cát Chu. Do đó, sau nhiều lần đắn đo, tôi mạnh dạn mua chiếc máy sấy nhiệt công suất khoảng 2kg thành phẩm/ngày để sản xuất thử nghiệm. Trải qua nhiều tháng sản xuất và đổ bỏ hàng chục mẻ xoài sấy bị hỏng, khoảng cuối năm 2019, mẻ xoài cát chu sấy dẻo đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Sản phẩm có độ mềm, dẻo tự nhiên, đặc biệt nhờ sấy theo phương thức truyền thống nên miếng xoài thành phẩm giữ được hương vị thơm ngon đậm đà, đặc trưng của xoài Cát Chu Cao Lãnh”.

Ông Lê Phước Tánh, với mô hình xoài kiểng

Người khởi xướng đưa xoài vào chậu kiểng là ông Lê Phước Tánh (68 tuổi), xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Sinh ra và lớn lên giữa thủ phủ xoài của Đồng Tháp, ông Tánh có kỹ năng trồng xoài giỏi, cộng thêm năng khiếu và đam mê chơi cây kiểng mấy năm trước ông Tánh sáng kiến và bắt đầu thử nghiệm đưa cây xoài vào chậu kiểng.

Cũng giống như lĩnh vực hoa kiểng, ông Tánh bắt tay vào xoài kiểng theo 02 dạng: Xoài kiểng cành nhánh dáng trực và xoài kiểng thế. Với xoài kiểng thế, ông chọn những cây xoài có bộ rễ đẹp, hoặc tiềm ẩn dáng đẹp rồi ra tay cắt tỉa để thành cây xoài kiểng có dáng bay, dáng hồi v.v..

Theo ông Tánh, với loại này, cần nhiều thời gian và công chăm sóc nên giá bán cao, từ 5 - 7 triệu đồng/cây với ít nhất 03 chùm trái. Vì vậy, ông nghiên cứu thêm việc đưa xoài cành nhánh vào chậu để bán với giá rẻ hơn.

Đầu tiên, ông mua xoài ghép từ các cơ sở cây giống về trồng. 02 năm sau, đưa vào chậu uốn cành, tỉa nhánh rồi dưỡng lấy trái. Giá bán dao động 2,5 - 3 triệu đồng/chậu.

Mỗi cây xoài kiểng được ông Tánh ghép ít nhất 03 giống xoài (thường là xoài Cát Chu, cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan). Tất cả đều được dùng bao giấy bao trái vừa hạn chế côn trùng gây hại, vừa tạo cho da quả xoài có màu vàng đẹp mắt, phù hợp với ngày Tết nên rất được nhiều người ưa thích.

Và còn rất nhiều lão nông khác có những mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất xoài. Có thể kể đến nông dân Trần Văn Hổ (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh) thực hiện Trang trại mẫu, chuyên trồng xoài Cát Chu, diện tích 7.000m2, thuộc dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài Đồng bằng sông Cửu Long; nông dân Đặng Văn Những (Tâm Quê hội quán) tạo chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt để phòng trừ sâu bệnh cho xoài; nông dân Lê Minh Hiện (Phường 6, thành phố Cao Lãnh) kinh doanh trực tuyến “Cây xoài nhà tôi” v.v..

Nguyệt Ánh (tổng hợp)