Xuất bản thông tin

null Thành phố Cao Lãnh hướng đến chuyển đổi số ngành hàng xoài

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Thành phố Cao Lãnh hướng đến chuyển đổi số ngành hàng xoài

Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích cây ăn trái trên 4.000ha, trong đó xoài là cây chủ lực, có diện tích gần 3.750ha, chiếm tỷ lệ 93%, tập trung, thành vùng  chủ yếu ở xã Tịnh Thới, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Hòa An, Phường 6. Đến nay, có khoảng 95% diện tích xoài được nông dân áp dụng bao trái, trong số này có gần 120 ha được chứng nhận VietGAP, 82 mã số vùng trồng, với diện tích hơn 2.600 ha, với tổng số hơn 5.800 hộ.

Lãnh đạo tỉnh và thành phố Cao Lãnh tham quan vườn xoài kiểu mẫu ở xã Tịnh Thới

Tính đến năm 2022, thành phố Cao Lãnh có 5 mô hình trồng xoài sử dụng phân hữu cơ ở xã Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Hòa An, Tân Thuận Đông và Phường 11 với diện tích gần 71ha). Các mô hình triển khai đã giúp giảm lượng phân vô cơ, cây trồng phát triển tốt hơn bình thường, giảm chi phí và công phun thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình khởi nghiệp từ sản phẩm xoài như: Xoài sấy dẻo, kem xoài, rượu xoài, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng,

Thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, có nhiều nông dân trồng xoài thực hiện hệ thống tưới thông minh, tưới nhỏ giọt để giữ ẩm cho cây bằng điện thoại thông minh, tiết kiệm được thời gian, chi phí, sản phẩm đồng đều.  Chuyển đổi số ngành nông nghiệp giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất.Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững. Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ "Sản xuất nông nghiệp" sang "Kinh tế nông nghiệp" 

Vườn xoài của nông dân (Ảnh minh họa)

Một số Hợp tác xã trên địa bàn Thành phố thực hiện liên kết tiêu thụ xoài với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ chi phí sản xuất đầu vào và bao tiêu thu mua sản phẩm đầu ra.

Để nâng cao giá trị quả xoài, sản phẩm chủ lực của địa phương, thành phố Cao Lãnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đặt tại Công ty TNHH Kim Nhung trên địa bàn phường 11. Đây là mô hình mới và đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Thành phố cũng đã xây dựng bản đồ nông sản trong mô hình làng thông minh tại các hộ dân có diện tích trồng xoài trên địa bàn ấp Tân Dân và Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây với tổng số gần 600 hộ dân trồng xoài, diện tích hơn 200ha, trong đó có hơn 88 ha diện tích trồng xoài đã được cấp mã số vùng trồng. Nhiều nông dân còn thực hiện mô hình 'Cây xoài nhà tôi".

Thực hiện bản đồ quản lý mã số vùng trồng trên hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC của Thành phố. Trong đó, số hóa vùng nguyên liệu sản xuất nông sản tập trung với quy mô lớn, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc. Thực hiện phần mềm bản đồ nông sản trên web và điện thoại thông minh … từ đó dữ liệu nông dân được phân tích, thống kê, tổng hợp báo cáo sản lượng các nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố và tích hợp chỉ đường, hiển thị vị trí vùng trồng, nhà vườn của các vùng trồng trên ứng dụng Google Maps Thành phố Cao Lãnh. Ứng dụng quản lý mã số vùng trồng được truy cập trên đa nền tảng máy vi tính, laptop, thiết bị di động, máy tính bảng.

Phát huy thế mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà chủ lực là xoài, cùng với tinh thần cần cù, sáng tạo của nông dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp quyết tâm giành được những thành tựu to lớn hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp theo hướng xanh - bền vững.

Phương Nga