Xuất bản thông tin

null Tiểu sử ông, bà Tiền hiền Nguyễn Tú

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Tiểu sử ông, bà Tiền hiền Nguyễn Tú

Ông Nguyễn Tú, là người thôn Bả Canh, xã Đập Đá, phủ Hoài Nhơn, trấn Bình Định. Ông rất giỏi võ, nguyên là tùy tướng của nghĩa quân Tây Sơn trước đây. Khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, Ông cùng vợ trốn vào Nam lập nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm ông, bà Tiền hiền Nguyễn Tú (Ảnh minh họa)

Thuở ấy, vùng Mỹ Trà, An Bình còn là nơi hoang vu rừng rậm, đầy thú dữ. Ông hô hào những người khẩn hoang cùng Ông phá rừng, cất nhà, làm ruộng. Ông còn tập hợp trai tráng truyền dạy võ nghệ, tổ chức rào làng, canh phòng, chống  thú dữ và đề phòng kẻ gian. Nhiều lần Ông đi tuần phòng, hễ gặp cọp là Ông đều hạ được và một mình Ông hạ gục ba tên cướp cầm dao xông vào nhà để sát hại Ông.

Lúc bấy giờ, ở Nam kỳ cư dân thưa thớt, tổ chức hành chính còn lỏng lẻo, nhiều nơi chưa phân chia thành phủ, huyện. Từ sông Đồng Nai đến sông Tiền, Chúa Nguyễn tạm chia ra 9 khố trường chủ yếu để thu thuế và quản lý việc khai hoang, vùng đất sau này mang tên Cao Lãnh thuộc khố trường Bả Canh. Công cuộc khai hoang ngày một mở rộng, Ông cùng lưu dân lập được hai thôn Mỹ Trà và An Bình. Nhiều bà con cùng quê vào lập nghiệp được Ông giúp đỡ mọi mặt, thôn xóm ngày một đông vui, làm ăn sung túc…Do công lao trên, Ông được mọi người cử làm người đứng đầu khố trường Bả Canh, thay mặt nhân dân giao tiếp với quan trên. Với địa vị này, Ông thường đứng về phía nhân dân chống lại sự áp bức của bọn cường hào ác bá, giúp người nghèo khổ thoát khỏi cảnh ức hiếp, bất công.

Lúc mất, Ông Bà Nguyễn Tú không có con thừa tự, nhưng được dân làng an táng chu đáo bên bờ sông Cái Sao Thượng (sông Đình Trung) trong niềm thương tiếc và biết ơn. Riêng thôn An Bình (nay là xã An Bình, huyện Cao Lãnh) để ghi nhớ công lao của Ông, một con rạch được mang tên Ông; đó là rạch Ông Tú, đổ nước vào rạch Cái Côn (An Bình) chảy ra sông Cái Sao Thượng.

Dù không có người thừa tự, nhưng mộ hai Ông, Bà vẫn được bà con chăm sóc tươm tất. Trải qua bao năm tháng, ít người còn nhớ rõ lai lịch và ngày giỗ của Ông, Bà.

Đến năm 1876, khi nâng cấp đường nối liền chợ Mỹ Trà và thôn An Bình, hai ngôi mộ này nằm ngay trên tuyến phóng. Nhà chức trách cho  tìm thân nhân để di dời mới biết được lai lịch và công đức của ông Nguyễn Tú. Nên Chủ trưởng (hương cả) làng Mỹ Trà, Phạm Văn Khanh cho làm đường tránh sang một bên; đồng thời sửa sang hai ngôi mộ và dựng bia lưu niệm đời sau. Bia bằng đá tọa lạc bên dốc cầu Đình Trung thuộc làng Mỹ Trà (nay thuộc tại khóm 3,  phường 2, thành phố Cao Lãnh), cao 1,65m, ngang 1,10m, dầy 0,53m;  nội dung  bia do cử nhân Nguyễn Giảng Tiên và giáo thọ Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn thảo khắc chữ Hán. Hương chức làng chọn ngày 15 tháng 10 âm lịch, sắm đủ rượu thịt tế mộ lập bia và cũng là ngày giỗ Ông, Bà Tiền hiền Nguyễn Tú. Từ đó bia được gọi là bia Tiền hiền làng Mỹ Trà. Đến năm 2001, Bia Tiền hiền Nguyễn Tú được công nhận di tích cấp tỉnh. Ngày 12/1/2013, UBND TP.Cao Lãnh đã đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa mộ ông, bà Tiền hiền Nguyễn Tú (tọa lạc khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh) với các hạng mục khu mộ, hồ sen, cây xanh,... và di dời mộ ông, bà về đây.