Xuất bản thông tin

null Cơ sở may gia công xã cù lao Tân Thuận Đông tạo việc làm cho lao động nông thôn

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Cơ sở may gia công xã cù lao Tân Thuận Đông tạo việc làm cho lao động nông thôn

Dù được thành lập không lâu nhưng cơ sở may gia công Phúc Hậu, ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông, xã cù lao của TP.Cao Lãnh tạo điều kiện cho hơn 40 lao động nông nhàn tại địa phương có thu nhập ổn định, góp phần cho địa phương nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chỉ với bằng kế toán, chưa qua trường lớp may nào. Vậy mà chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ở ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông giờ sở hữu trên 40 chiếc máy may công nghiệp, cũng ngần ấy lao động địa phương đã có công việc thường xuyên.

Theo chị Thoa, thấy dịa phương mình sinh sống vẫn còn nhiều lao động chưa có việc làm hoặc có thì không thường xuyên, chủ yếu là làm thuê, mua bán nhỏ, sản xuất chủ yếu là hoa màu diện tích manh mún. Chính vì vậy mà năm 2018, chị Thoa mạnh dạn đầu tư mở cơ sở may công nghiệp, đến từng nhà để vận động những người biết may, tham gia cơ sở của mình. Cũng nhờ kỹ thuật hướng dẫn, cộng với tính chịu tìm tòi, học hỏi chị dần thạo nghề, những lao động chưa biết may thì chị hướng dẫn lại. Ban đầu mở cơ sở chỉ có khoảng 10 người, giờ lên đến hơn 40 người, thợ chủ yếu là người ở địa phương.

Cơ sở may Phúc Hậu 

Sản phẩm của cơ sở may Phúc Hậu, rất nhiều mặt hàng chủ yếu là hàng xuất khẩu nước ngoài, không lo về đầu ra vì có một Công ty ở huyện Củ Chi - TP.Hồ Chí Minh nhận sản phẩm có khi hàng tuần, có khi mỗi tháng xuất hàng. Thấy công việc nhẹ nhàng, dễ làm, phù hợp với sức khỏe, thu nhập cũng ổn định lại được làm gần nhà nên nhiều người phấn khởi và nhiệt tình tham gia. Chị Tô Thị Tú Trinh - Ấp Đông Hòa - Xã Tân Thuận Đông - TP.Cao Lãnh cho biết: Trước đây em cũng làm nghề may, bây giờ thấy công việc phù hợp với em. Em làm được hơn 2 năm rồi, chồng em đi làm tiếp thị, thu nhập cũng ổn, chi phí hàng tháng lãnh lương ra cũng đủ nuôi 2 đứa con ăn học đầy đủ, tập sách đầy đủ, tiền hàng tháng cũng ổn không bị thiếu. 

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - chủ cơ sở may cho biết, công việc này không khó, chủ yếu may theo công đoạn, người chưa biết có thể học vài ngày là làm được. Quy trình may được phân ra làm nhiều công đoạn chính: May cổ, may thân, nẹp áo, may túi, may tay áo, đóng khuy nút, ủi,.v.v. Người thợ tham gia được trả tiền công hàng tháng từ 4- 6 triệu đồng, ngày nào tăng ca có tiền bồi dưỡng. Những người thợ của cơ sở may Phúc Hậu đều hưởng các chính sách theo qui định. Chị Trần Thị Thảo Nguyên - Ấp Đông Thạnh - Xã Tân Thuận Đông - TP.Cao Lãnh chia sẻ: Em làm nội trợ, thấy có xưởng may xin vô may thấy kinh tế ổn định với lại công việc cũng nhàn, tiện chăm sóc cho chồng với con, thu nhập hàng tháng cũng trang trải nuôi 2 đứa con, thu nhập từ 4-6 triệu. Chỉ cơ sở cũng quan tâm hỗ trợ nhiều lắm như tết cũng có quà tiền thưởng này kia đầy đủ, với lại cũng có hỗ trợ chính sách về BHXH, BHYT cũng yên tạm làm việc ở đây, với lại gần nhà nữa”.

Mục đích vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là những chị em có con nhỏ, không có điều kiện đi làm tại các công ty xa nhà. Ban đầu khi cơ sở mới đi vào hoạt động, chị Thoa gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm trong thương trường. Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực, chị Thoa đã dần đứng vững và đi đến thành công. Chị được Hội LHPN xã Tân Thuận Đông xem xét cho vay vốn từ nguồn vốn phụ nữ, đầu tư mua trang thiết bị. Theo chị Nguyễn Thị Kim Thoa, gia công hàng xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu rất cao, đường may phải tỉ mỉ, chính xác. Tất cả sản phẩm trước khi xuất đi chị đều kiểm tra rất kỹ lưỡng, cái nào chưa đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ ngay, do đó xưởng đã tạo được niềm tin cho đối tác và có chỗ đứng trên thị trường may gia công. Thấy công việc ổn định, chị Thoa đang có kế hoạch mở rộng cơ sở. Cho biết về nghề của mình, chị Nguyễn Thị Kim Thoa nói: May lúc đầu em không biết nhưng mà quyết định vô làm ngành này thì học từ từ, có kỹ thuật của Công ty xuống hướng dẫn em học theo và từ từ hướng dẫn lại cho thợ những thợ nào mới vô. Lúc đầu cũng đắn đo lắm, tại vì mình không phải chuyên ngành này nên suy nghĩ nếu mình quyết tâm làm nên cố gắng, lúc mới mở chỉ 10 máy thôi giờ thì trên 40 máy, định hướng phát triển mở rộng tuyển thêm lao động nữ ở mình.Phần lớn lao động làm việc cho cơ sở may Phúc Hậu là phụ nữ trẻ, cũng có thanh niên. Khi làm việc tại cơ sở may quy mô hộ gia đình, người lao động không cảm thấy bị áp lực về thời gian và năng suất lao động. Vì thế, chị em bận con nhỏ có thể sắp xếp thời gian hợp lý để bảo đảm mức thu nhập, vừa chăm sóc tốt cho gia đình. 

Hiện xã Tân Thuận Đông có hơn 4.800 lao động nữ trong độ tuổi lao động, trong số này có hơn 1.000 lao động đi làm ăn xa. Sắp tới Hội LHPN xã tiếp tục tạo điều kiện cho những cơ sở tạo việc làm ở địa phương duy trì và phát triển hơn nữa, để người lao động được chuyển đổi ngành nghề, tham gia lao động công nghiệp, có thêm việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống mà không xa quê, cuộc sống được ổn định bền vững. Chị Huỳnh Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông - TP.Cao Lãnh cho biết thêm: Trong quá trình mở rộng sản xuất, có hỗ trợ vốn từ nguồn GQVL của NHCSXH để cơ sở mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong địa bàn xã. Hướng sắp tới Hội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để chị có điều kiện mở rộng việc làm tạo việc làm cho phụ nữ xã mình nhiều hơn nữa, góp phần nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã, đặc biệt là tiêu chí thu nhập và ANTT địa bàn xã.

Có thể nói, công việc may gia công đã và đang là hướng đi mới trong giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập; đồng thời giúp địa phương duy trì và nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Như Phương