Xuất bản thông tin

null Nguồn gốc tên gọi Bả Canh

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Nguồn gốc tên gọi Bả Canh

Từ lâu, tên gọi Bả Canh đã được sử sách ghi chép với ý nghĩa là một trong những tên hành chánh của người Việt sớm nhất Nam Kỳ và cũng là danh xưng hành chánh xưa nhất của vùng đất Cao Lãnh. Tuy nhiên, tên gọi nầy đến nay ít ai biết rõ vì đã trên 200 năm không được dùng đến. Chuyên mục Văn hóa và Du lịch hôm nay, Nguyễn Thanh Thuận tiếp tục có bài viết giới thiệu về nguồn gốc Bả canh này.

Từ thế kỷ 17 trở đi, người Việt bắt đầu vào khai phá dần vào phương Nam, bộ mặt vùng đất phía Nam ngày một thay đổi. Cuộc hôn nhân ngoại giao giữa công nữ Ngọc Vạn và quốc vương Chân Lạp, Chey Chetta II, năm 1620 là điều kiện thuận lợi để lưu dân người Việt vào Nam sinh sống ngày một đông đảo. Đặc biệt là vào mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679), một nhóm di thần nhà Minh phản Thanh với hơn 3.000 người, được chúa Nguyễn Phước Tần cho nhập cư vào ở Biên Hòa và Mỹ Tho.

Năm 1698 chúa Nguyễn Phước Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, lập phủ Gia Định lấy xứ Đồng nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mộ dân Ngũ Quảng vào khai khẩn ruộng đất, lập sổ đinh điền, thu thuế ruộng đất.

Năm 1732 để thuận tiện trong việc quản lý vùng đất Gia Định, Chúa Nguyễn lấy phía nam Phiên trấn (gồm cả phần đất phía bắc sông Tiền của Đồng Tháp) làm Châu Định Viễn, lập dinh Long Hồ đặt lỵ sở tại thôn An Bình Đông, tục danh là Cái Bè nên được gọi là Cái Bè dinh.

Trên phần đất phía bắc sông Tiền của Đồng Tháp, lưu dân định cư rải rác ở ven sông, chỉ có trên cù lao Trâu và vùng chung quanh dọc theo sông Con (còn gọi là sông Cao Lãnh), sông Cái Sao Thượng là tương đối đông đảo. Lưu dân tiền phong khai phá vùng này đa số là nông dân xuất thân từ thôn Bả Canh (nay thuộc xã Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, thôn này ngày nay vẫn còn), tiêu biểu là Nguyễn Tú, người có công lập hai thôn An Bình và Mỹ Trà sau này. Trước khi thôn Mỹ Trà ra đời, lưu dân Bả Canh cư ngụ tập trung khá đông hai bên bờ sông Cái Sao Thượng.

          

Quyển 10 tờ 4, chép việc thiết lập 9 Khố trường, trong đó có Khố trường Bả canh

Lúc đầu mới khai hoang, vùng này chưa được đặt tên, nên người nơi khác thường dùng tên quê cũ của họ (Bả Canh) để gọi, lâu ngày thành quen. Tên xóm Bả Canh ra đời từ đó.

Theo qui định của chính quyền chúa Nguyễn lúc bấy giờ, những nơi dân cư ngụ rời rạc, chưa đủ số dân và diện tích ruộng đất chịu thuế thì chưa chính thức thành lập thôn; nếu các thôn đã lập, nhưng chưa liền ranh với nhau thì chưa thành lập cấp tổng, thì thiết lập khố trường (kho thu thuế bằng hiện vật).

Đến năm Tân Dậu (1741), toàn phủ Gia Định chúa Nguyễn cho lập 9 khố trường biệt nạp ở rải rác nhiều nơi như:

- Khố trường Hoàng Lạp: ở vùng cù lao Phố - Biên Hòa, ngày nay tại đây còn địa danh “Bến Đò Kho”.

- Khố trường Giản Thảo: còn gọi là kho Bốn Trấn, phụ trách thu thuế vùng Gia Định tức vùng Cầu Kho (thuộc Thành phố HCMinh ngày nay).

- Khố trường Thiên Mụ, Cảnh Dương và Tân Thạnh: phụ trách thu thuế ở khu vực Nhà Bè, vùng Cần Giuộc.

- Khố trường Tam Lạch: phụ trách thu thuế vùng Ba Giồng - Mỹ Tho ngày nay.

Ba khố trường Bả Canh, Quy An, Quy Hóa: phụ trách thuế vùng chung quanh Đồng Tháp Mười. Cha của Trịnh Hoài Đức (tác giả quyển Gia Định thành thông chí) là Trịnh Khánh từng làm Cai thâu, thu thuế ba kho này. 

Trong số 9 khố trường trên, hiện chỉ có khố trường Bả Canh là xác định được, vị trí đặt tại xóm Bả Canh, ở hai bên bờ sông Cái Sao Thượng (sông Đình Trung), nên có tên này. Đây là một trong những xóm làng đầu tiên của thành phố Cao Lãnh sau này. Nội dung xác định vị trí khố trường Bả Canh được nhắc đến trong văn bia tiền hiền Nguyễn Tú, nội dung văn bia viết bằng chữ Nho, được phiên dịch sang quốc ngữ như sau:

Vào khoảng thời Gia Long, ông Nguyễn Tú, người ở Quy Nhơn đến cư ngụ ở vùng đất này, ngày xưa có tên là khố trường Bả Canh (Bả Canh trường). Ông là người có tánh quyết đoán, mưu tính chuyện lâu dài, hô hào qui tụ dân cư lưu tán khai hoang mở ruộng xây dựng xóm làng… Sau đó làm đơn, lập danh sách dân, xin thành lập thôn Mỹ Trà. Trải qua các niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), năm Tự Đức thứ 29 (1876) công lao to lớn, đến nay đã rõ.

Sự ra đời của khố trường Bả Canh ở đây, chứng tỏ vào thời điểm này, cuộc khai hoang vùng ven sông Tiền của Đồng Tháp Mười đã thành công bước đầu. Theo báo cáo của Cai bạ dinh Long Hồ đương thời là Hiền Đức hầu Nguyễn Khoa Thuyên thì ba trại thuộc Bả Canh, Bà Lai, Bà Kiến có dân số ngoài 4.000 đinh, ruộng đất ngoài 4.000 sở. Mỗi sở đều theo lệ hạng nhứt thu 6 hộc một mẫu, hạng nhì 3 hộc, hạng ba 2 hộc.

Năm 1779 chúa Nguyễn nâng đạo Trường Đồn thành Dinh gồm một huyện là Kiến Khương và ba tổng: Kiến Đăng, Kiến Hưng và Kiền Hoà. Vùng đất khố trường Bả Canh lúc bấy giờ thuộc vào tổng Kiến Đăng. Đến thời điểm nầy, nền hành chánh đã hoàn thiện, chúa Nguyễn chính thức cho bãi bỏ các khố trường.

Nguyễn Thanh Thuận