Xuất bản thông tin

null Dấu tích Bả Canh xưa

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Dấu tích Bả Canh xưa

Tính từ năm Tân Dậu (1741) khi chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lập ra chín khố trường biệt nạp (kho thu thuế bằng hiện vật) ở xứ Gia Định, trong đó có khố trường Bả Canh đến năm 2021 là vừa tròn 280 năm. Thời gian vật đổi sao dời, đến nay những cựu tích trong giai đoạn khố trường Bả Canh từng tồn tại (1741 – 1779) còn lại đến nay không nhiều, có khi chỉ còn trong danh xưng. Cùng nhau điểm lại một số dấu tích xưa còn biết được.

  1. Lâm tẩu

Cấy lúa ở Đồng Tháp Mười đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu)

Lâm tẩu (tức Đồng Tháp Mười), là vùng đất trũng thấp, nhiều phèn… Thiên nhiên nơi đây khắc nghiệt với rừng rậm đầy thú dữ, muỗi, đỉa, rắn rít. Từ thế kỷ 17 trở đi, lớp lưu dân người Việt tiền phong bắt đầu khai phá chinh phục thiên nhiên ở vùng Đổng Tháp Mười. Họ mở cõi với “vũ khí” chủ yếu là cái phảng phát cỏ, cái búa, cái rựa phá rừng… để biến đất hoang, rừng rậm thành ruộng đồng trù phú. Vào những thập niên cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, công cuộc khai phá của lưu dân người Việt vươn dần lên phía thượng lưu, tập trung ở mạn nam sông Tiền nhiều hơn là bờ bắc, hình thành một số tụ điểm mới, trong đó có vùng đất mà năm 1741 chúa nguyễn cho lập khố trường Bả Canh.

  1. Đình thôn Mỹ Trà

Nội thất đình Mỹ Trà (Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20  do Nadal chụp)

Thế kỷ 18, trên phần đất phía bắc sông Tiền của Đồng Tháp, tiêu biểu cho lớp lưu dân tiền phong khai phá vùng này là ông Nguyễn Tú. Ông là người có học, tháo vát, ông hướng dẫn nhân dân khai hoang, mở đất, định hình xóm thôn và làm tờ bẩm dâng lên quan trên xin lập thôn. Ba thôn Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, An Bình được thành lập. Sau khi lập làng xong, đình làng được xây cất, vừa làm chô dựa tinh thần, vừa làm trụ sở hành chánh thôn.

Ngôi đình Mỹ Trà về sau được xây cất nguy nga đồ sộ, chạm trổ công phu. Đình ngó mặt xuống mé sông Cái Sao Thượng. Năm 1946, hưởng ứng lịnh tiêu thổ kháng chiến, đình Mỹ Trà (đình Trung) bị tháo dỡ. Đến nay ngôi đình không còn. Tuy vậy, vào đầu thế kỷ 20, nhà nhiếp ảnh Nadal đã chụp lại nội thất chánh điện đình Mỹ Trà, nhờ vậy mà chúng ta còn có thể phần nào biết được về ngôi đình cổ gắn liền với vùng đất Bả Canh.

  1. Đình thôn An Bình

Đình nằm trên phần đất thuộc ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Thôn An Bình là một trong ba thôn mà Tiền hiền Nguyễn Tú có công khai khẩn. Cũng như các đình làng phía bắc song Tiền, đình An Bình thờ Thành Hoàng Bổn cảnh và thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần. Thôn An Bình được hai triều vua Thiệu Trị và Tự Đức cấp tổng cộng 6 lá sắc, 3 lá phong cho Thần Thành Hoàng Bổn cảnh, 3 lá sắc phong cho thần Đại Càn Quốc gia Nam Hải. Lệ cúng hằng năm là lễ thượng điền 19, 20 tháng12 âm lịch và lễ hạ điền 19, 20 tháng 4 âm lịch. Đặc biệt nơi đây có bài vị thờ Tiền hiền Nguyễn Tú.

  1. Đình thôn Mỹ Ngãi

Đình nằm trên đường Mai Văn Khải thuộc xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh. Đình được xây dựng khoảng từ năm 1820 đến 1830, trên nền đất rộng hơn 20 công, do ông Nguyễn Hoằng Đạo hiến.Đình còn giữ được nét kiến trúc cổ với nhiều hoành phi, liễn đối gỗ chạm, sơn son thiếp vàng, kỹ thuật tinh xảo. Tương Tự như đình An bình, đình Mỹ Ngãi được cấp 6 lá sắc phong cho Thành Hoàng Bổn cảnh và thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. hằng năm đình có hai lệ cúng chính: Hạ điền vào hai ngày 16, 17 tháng 3 âm lịch, lễ Thượng điền vào ngày 16, 17 tháng chạp âm lịch. Đình Mỹ Ngãi được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 19 tháng 12 năm 2004.

  1. Bia Tiền hiền Nguyễn Tú

Ông Nguyễn Tú là người thôn Bả Canh (nay thuộc xã Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông quy tụ những người cùng quê vào khai khẩn đất hoang ở ven sông Cái Sao Thượng (khoảng chung quanh cầu Đình Trung ngày nay) vào đầu thế kỷ 18. Thuở ấy, vùng đất nầy còn là rừng rậm, đầy thú dữ. tập hợp trai tráng truyền dạy võ nghệ, tổ chức vào thôn xóm canh phòng thú dữ. Mỗi khi có báo động thì nhà nhà đánh mõ, đánh trống xua đuổi chúng đi. Riêng ông Nguyễn Tú nhiều lần tuần phòng gặp cọp đều hạ được. Nhờ vậy, lần hồi thú dữ bị đẩy lùi vào rừng sâu, mọi người làm ăn trở lại bình thường.

Công cuộc khai hoang ngày một mở rộng. Nhiều người cùng quê quán vào lập nghiệp được ông Nguyễn Tú tận tình giúp đỡ mọi mặt khiến xóm làng ngày một đông vui và sung túc lập nên 3 thôn như đã nêu ở trên.

Khi vợ chồng ông già yếu và qua đời, do không có con thừa tự nên ông bà được dân làng mai táng trong niềm thương tiếc và biết ơn. Năm 1876, chủ trưởng làng Mỹ Trà là Phạm Công Khanh đứng ra lập dựng bia ghi công đức gọi là bia Tiền hiền làng Mỹ Trà. Nhờ có bia này mà đến nay ta mới xác định được vị trí khố trường Bả Canh xưa.

Bia được làm bằng đá hoa cương cao 1,7m, ngang 1m, độ dày 0,6m, trên có mái che, mang kiến trúc của thế kỉ 19, ghi nội dung gồm 343 chữ Hán. Đây là một dạng bia tổng hợp, vừa là mộ bia, vừa là bia ghi công đức và bia sự kiện.

Mộ và bia mộ tọa lạc phía phải dốc cầu Đình Trung, thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh. Bia Tiền hiền Nguyễn Tú được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 20 tháng 4 năm 2001. Cuối năm 2012, do bất tiện về vị trí, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cao Lãnh cho di dời qua phường Mỹ Phú và xây dựng khang trang, to đẹp hơn.

Nguyễn Thanh Thuận