Xuất bản thông tin

null Một thanh niên khởi nghiệp từ mô hình sản xuất khô cá lóc trong philê

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Một thanh niên khởi nghiệp từ mô hình sản xuất khô cá lóc trong philê

Sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Trà, anh Phạm Văn Tùng Nhất, sinh năm 1997 ở ấp 2, xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh trường Đại học Đồng Tháp, nhưng không xin đi làm, anh tham gia làm công tác đoàn ở địa phương, đồng thời quyết tâm chuyển hướng lập nghiệp cho bản thân tại chính quê hương mình đang sinh sống, với mô hình sản xuất và kinh doanh khô cá lóc Trong philê, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Phạm Văn Tùng Nhất nhận giải thưởng Dự án khởi nghiệp

Với lợi thế là có vùng nuôi thủy sản qui mô lớn, đa số những người nông dân ấp 2, xã Mỹ Trà sinh sống bằng nghề nuôi thủy sản, chủ yếu nuôi cá sặc rằn, cá lóc trong đó có gia đình anh Phạm Văn Tùng Nhất. Trong quá trình nuôi cá, nhiều lúc gặp khó khăn về đầu ra. Cá đến kỳ thu hoạch đôi lúc bán không được, gặp khó khăn cho gia đình. Với suy nghĩ phải mạnh dạn đi đầu trong các phong trào, nhất là lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho những thanh niên khác. Tháng 7/2020, từ ao nuôi cá sẵn có của gia đình, anh Phạm Văn Tùng Nhất đã xin cha, mẹ một số vốn đầu tư thành lập cơ sở sản xuất và kinh doanh khô cá lóc trong philê mang tên Nhất Thủy, sản phẩm chính là khô cá lóc được rút xương philê, với nhiều vị khác nhau như: vị gừng; vị tiêu xanh; vị ớt đỏ; vị tiêu đen.

Khô cá lóc trong phi lê của anh Phạm Văn Tùng Nhất

Nhờ tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, biết ứng dụng kĩ thuật vào quá trình sản xuất nên cơ sở của anh Tùng Nhất phát triển tốt, hiệu quả mang lại cao. Mặc dù trước đó gặp không ít khó khăn ban đầu. Cơ sở đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên nguồn nguyên liệu làm khô phải đạt 1 số tiêu chuẩn nhất định. Để tạo được thịt cá có màu trong, cơ sở phải chọn nguồn cá tươi sống, cá không bị chết hoặc bị đỏ mình; ao, hầm được xử lý an toàn, đạt đúng cân nặng để thịt cá được dai, ngon ngọt và thơm mùi của tự nhiên, đậm chất miền tây Nam bộ. Đây là điểm khác biệt so với khô cá lóc thông thường hiện có trên thị trường. Nguồn nguyên liệu của cơ sở Nhất Thủy chủ yếu thu mua từ địa phương. Nguồn cá sẽ được luân phiên liên tục để có đủ sản lượng cho việc sản xuất, giá cả nguồn nguyên liệu sẽ cố định đảm bảo người nông dân có lời.

Việc sản xuất cá lóc trong philê phải trải qua nhiều công đoạn như: Cá mang về sẽ được rọng vào 1 bể chứa lớn, sau đó ngâm 1 ngày để khử hết mùi rong và thức ăn cá, trong quá trình philê cần loại bỏ hết 90% xương, máu cá, cuối cùng cắt thành từng sợi vừa ăn. Công đoạn này cần sự tỉ mỉ. Tiếp đến là rửa cá, rồi tẩm ướp gia vị; để tủ đông qua đêm rồi phơi xấy, đóng gói. Để làm ra 15-20 kg khô cá lóc trong philê mỗi ngày, cá nguyên liệu cần từ 50-100 kg. Hiện cơ sở còn sản xuất khô cá sặc rằn bổi. Đầu ra của sản phẩm hiện tại cung cấp các Quán ăn đặc sản, khu du lịch, nhà hàng, khách Sạn, khu chung cư và các cá nhân có nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn trong và ngoài tỉnh. Thu nhập hàng tháng của cơ sở ổn định, đạt nhiều kết quả bước đầu. 

Để giúp cho người lao động ở địa phương có việc làm, ổn định cuộc sống. Cơ sở hiện có 10 nhân công làm việc, đủ mọi lứa tuổi, thanh niên có, phụ nữ cũng có, tất cả đều được anh Tùng Nhất đào tạo bày bản từng công đoạn. Chị Nguyễn Hồng Lan, ấp 2, xã Mỹ Trà gắn bó với cơ sở sản xuất khô cá lóc trong Nhất Thủy từ ngày cơ sở thành lập đến nay cho biết: Tôi làm cho Tùng Nhất cũng lâu rồi, do sáng mắc đi chợ cơm nước, tới 1-2 giờ chiều mới làm. Nói chung 4 tiếng đồng hồ thì thu nhập mấy chục ngàn/ngày. Làm nghề này cũng ổn định, như Tết này kia Nhất cũng tặng quà cho các em làm. Nói ngay chị em làm cũng vui vẻ, đông lắm, 2 nhóm làm, bên em được 4 người, bên kia 6 người làm chia ra, mỗi ngày chị này vắng thì có người kia không bỏ không được.

Với ý chí, quyết tâm của tuổi trẻ, anh Tùng Nhất đã tự tin khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Ngoài đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, anh còn năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo trong các hoạt động đoàn ở địa phương. Hiện Tùng Nhất là Phó Bí thư xã đoàn Mỹ Trà. Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Mỹ Trà, Văn Thị Diệu Hiền cho biết thêm về mô hình khởi nghiệp của thanh niên này: Cá lóc phi lê của bạn cũng được thị trường ưa chuộng. Song song đó vừa kinh doanh ở ngoài và phụ trách thêm xã đoàn thì hai công việc đó bạn cũng đảm bảo được. Về mặt phát triển thêm trong lĩnh vực khởi nghiệp đó, thì hiện tại xã Đoàn cũng đã phát động trong các bạn đoàn viên, giao cho đồng chí Nhất phát huy, xem trong các bạn đoàn viên chi đoàn các ấp bạn nào có nhu cầu muốn phát triển nghề khô cá cũng có chung một tâm huyết thì mình tạo điều kiện hướng dẫn cùng tìm ra nguồn thu nhập ổn định.

Những năm gần đây nhờ tuyên truyền, vận động phong trào khởi nghiệp trong thanh niên TP.Cao Lãnh phát triển mạnh, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp mang tính khả thi được áp dụng vào thực tế, anh Phạm Văn Tùng Nhất là một trong số đó. Thành đoàn Cao Lãnh đang và sẽ đẩy mạnh phong trào này trong thời gian tới. Anh Lê Hoàng Quyết - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Cao Lãnh cho biết: Cái câu chuyện của bạn Nhất khởi nghiệp từ khô cá lóc, bước đầu theo đánh giá của Thành đoàn là mang lại hiệu quả trong kinh tế gia đình, đồng thời mang giá trị cho các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp là khô, sản phẩm càng ngày khẳng định vị thế của mình. Thông qua câu chuyện của bạn Nhất thì các bạn đoàn viên thanh niên, thanh niên khởi nghiệp được truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp để mang lại giá trị cao hơn.

Năm 2020, Thành đoàn Cao Lãnh tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp TP.Cao Lãnh. Dự án sản xuất và kinh doanh khô cá lóc Trong philê của anh Phạm Văn Tùng Nhất đạt giải Nhất. Thành đoàn Cao Lãnh đã chọn dự án này tham gia Cuộc thi đổi mới sáng tạo do tỉnh Đoàn Đồng Tháp tổ chức năm 2020. Dự án của Phạm Văn Tùng Nhất được vào vòng bán kết.

Phạm Văn Tùng Nhất cho biết dù mới chỉ vài tháng lập nghiệp nhưng bản thân thấy khởi sắc và đang có ý tưởng mở rộng nghề của mình. Trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với động lực của bản thân, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về các giấy tờ, thủ tục, đăng ký bảo hộ sản phẩm, thương hiệu, ATVSTP được hỗ trợ rất là nhiều, giai đoạn đầu bở ngỡ rất nhiều nhưng nhờ Ủy ban cũng như Thành đoàn hỗ trợ thì bây giờ sản phẩm hoàn thiện được khoảng 90%. Trong giai đoạn tới cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở này lên tầm mới nữa. Sắp tới cơ sở mở rộng nhà xưởng và liên kết một số hộ nuôi cá thủy sản tại Mỹ Trà để tăng nguyên liệu đầu vào và tích cực khai thác thị trường ở Đồng Tháp cũng như thị trường lớn trong và ngoài nước, để đưa nguồn hàng đi khắp cả nước.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tin rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của anh Phạm Văn Tùng Nhất ngày càng phát triển, làm giàu trên quê hương của mình, tạo điều kiện cho nhiều thanh niên có việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Như Phương