Xuất bản thông tin

null Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp

Thực hiện phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN các cấp TP.Cao Lãnh đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên mạnh dạn phát huy thế mạnh của địa phương vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó mời chuyên gia tổ chức tập huấn khởi nghiệp theo xu hướng phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cách chọn ý tưởng kinh doanh; lập kế hoạch kinh doanh, dự tính vốn kinh doanh. Hội LHPN TP.Cao Lãnh cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ các ý tưởng sáng kiến về khởi nghiệp. Qua đó hội viên phụ nữ đã đăng ký nhiều sản phẩm khởi nghiệp, trong đó năm 2020 có 60 sản phẩm được Hội LHPN Tỉnh công nhận như: trà mãng cầu; cóc ngào đường; các loại bánh dân gian; một số thực phẩm chay,…

Hội LHPN TP.Cao Lãnh tập huấn chia sẻ khởi nghiệp

Hiện nay, các sản phẩm được Hội LHPN các cấp quảng bá, tuyên truyền trong hội viên, giới thiệu trưng bày trong các dịp Hội chợ Nông nghiệp, Nông nghiệp xanh, chợ phiên nông sản an toàn TP.Cao Lãnh, các Hội nghị của Tỉnh và TP.Cao Lãnh tổ chức.

Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội Phụ nữ các cấp TP.Cao Lãnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Qua đó, giúp chị em phấn khởi, tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, có những đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lê Tiên đang sản xuất bánh tráng xoài

Xoài là một trong những đặc sản nổi tiếng của TP.Cao Lãnh. Để người dân không cần phải đi xa thưởng thức bánh tráng xoài ở Nha Trang. Năm 2017, bà Phan Thị Hoa, nông dân ở ấp Hòa Long, xã Hòa An đã mày mò nghiên cứu và cho ra sản phẩm bánh tráng xoài ngay tại vùng nguyên liệu xoài Cát Chu của vườn nhà. Xoài sau khi gọt vỏ, xay nhuyễn rồi nấu chín được trải mỏng trên mâm, đem phơi nắng, khi xoài khô đem cuốn lại. Trước đây vì mới làm, chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn nên mọi công đoạn đều làm bằng thủ công. Để sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm, đồng thời giúp bà Hoa mở rộng sản xuất, quảng bá hình ảnh xoài Cao Lãnh, bà Hoa đăng ký sản phẩm khởi nghiệp và được Hội LHPN hỗ trợ nguồn vốn từ “Dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình góp phần phát triển kinh tế địa phương”, thuộc quỹ sáng tạo PMILED của Hiệp hội các đô thị Việt Nam, đầu tư cho chị máy sấy bánh tráng xoài, với số tiền 40 triệu đồng. Từ đây bà Hoa không còn lo mưa không phơi được bánh, bụi khi phơi ngoài trời, có nguồn nguyên liệu tại chỗ không còn lo xoài vào mùa số lượng nhiều bán mất giá.

Điểm khác biệt của bánh tráng xoài Cao Lãnh là không sử dụng đường, phụ gia và có độ ngọt nguyên chất của xoài chín. Mỗi ngày cơ sở sản xuất 20kg xoài chín, cho ra  2,5 kg thành phẩm. Vào hộp đóng gói, nhãn hiệu rõ ràng. Một hộp 150gam, có giá bán 45 ngàn đồng. Sản phẩm được bà Hoa làm thường xuyên mỗi ngày. Do lớn tuổi nên bà giao lại cho con gái tiếp nối nghề của mình là chị Lê Tiên. Nói về nghề của mình, chị Lê Tiên - Ấp Hòa Long - Xã Hòa An chia sẻ: Từ năm 2020 được LHPN Thành phố hỗ trợ cho máy sấy bánh tráng xoài, nên em xin nghỉ việc trên Công ty. Bánh đưa vô máy sấy bánh thơm, ngon, ngon hơn mình phơi nắng nhiều, với lại thị trường tiêu thụ tương đối nhiều hơn trước. Bánh của em làm từ xoài cát chu chín là 100% nguyên chất không có đường, không có hóa chất gì hết. Càng lúc mình làm được bánh ra ngon, thơm rất là thích, tại vì tâm huyết của mẹ, hai mẹ con làm giúp tiêu thụ lượng xoài chin, quá chín trong vườn khi không bán được.

Vườn nho của chị Hồng Tươi

Chị Hồng Tươ trồng nho trong chậu 

Sau khi được Hội LHPN và Đoàn thanh niên xã Tân Thuận Đông động viên. Năm 2020, chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông đăng ký khởi nghiệp với mô hình trồng nho kết hợp du lịch. Với diện tích 1.000 mét vuông chị Hồng Tươi trồng trên 200 cây cả dưới đất và trong chậu, với 4 loại giống gồm: Nho đỏ, Nho Hồng Ngọc, Nho Kẹo và nho dùng để nấu rượu. Để tạo điều kiện cho chị Hồng Tươi thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình. Hội LHPN xã Tân Thuận Đông liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp xét cho chị vay vốn, với số tiền 50 triệu đồng. Hiện gia đình chị đang chăm sóc cây để cho trái, đầu tư thi công đường nội bộ, quán ăn, uống phục vụ khách đến tham quan dự kiến khai trương vườn nho Xuân Tươi vào ngày 30/4/2021. Chị Nguyễn Thị Hồng Tươi cho biết thêm: Đi họp được hội Phụ nữ và  Đoàn thanh niên động viên là mình phải suy nghĩ ra phát triển du lịch ở địa phương mình, từ đó thôi thúc em đem nho về trồng để mọi người có thể đến đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Ban đầu em định trồng ít thôi, trồng khoảng 1 chục cây trở lại nhưng mà ham quá trồng thử đến giờ khoảng 200 cây. Em nghĩ là đất thổ nhưỡng ở đây, dinh dưỡng đầy đủ, có thể cung cấp giống như ở Ninh Thuận. Dự kiến 30/4 khai trương vườn nho. Giống nho này thì khi đến có trái không xịt thuốc nên an toàn VSTP.

Dịp Tết nguyên đán Tân Sửu vừa rồi, chị Hồng Tươi đã đăng ký 1 lô bán Nho tại chợ hoa xuân Cao Lãnh. Qua giới thiệu, chị bán được trên 100 cây giống và khoảng 30 chậu nho trái. Chị cũng đang có ý tưởng trồng thêm dưa lưới, dưa lê dưới những tán nho, để phục vụ khách tham quan.

Thực hiện phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Trong những năm qua xã Tân Thuận Đông có nhiều sản phẩm được Hội LHPN tỉnh công nhận. Cụ thể, năm 2018 có sản phẩm bánh tét, yaour mãng cầu; năm 2019 có sản phẩm trà mãng cầu; năm 2020 có sản phẩm bì chay, giá sạch. Năm 2021, đăng ký thêm 3 sản phẩm gồm: Kẹo nhãn, muối tép, trồng nho kết hợp du lịch. Những sản phẩm của các chị khởi nghiệp hiện đang dần phát triển, được nhiều nơi biết đến. Điển hình như cơ sở trà Mãng cầu Phát Tính của chị Võ Thị Ngọc Hân cũng ở xã Tân Thuận Đông, được Dự án hỗ trợ máy rang đa năng, với tổng kinh phí 44 triệu đồng. Từ số tiền này, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của phụ nữ khởi nghiệp Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp và Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp 80 triệu đồng, chị Hân đầu tư mua máy xấy trà, bao bì và nguyên liệu, đến nay cơ sở cơ bản đảm bảo cho việc sản xuất. Mỗi ngày sàn xuất trên 50 gói trà, mỗi gói có trọng lượng 100 gam. Trừ chi phí, lãi khoảng 500 ngàn đồng. Hiện sản phẩm này có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Năm 2019, cơ sở trà Mãng cầu Phát Tính được Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp công nhận sản phẩm khởi nghiệp. Từ khi được thành lập năm 2017 đến nay, cơ sở trà Mãng cầu Phát Tính cũng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chị Huỳnh Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông cho biết về phong trào khởi nghiệp ở địa phương mình trong thời gian tới: Hội vẫn tiếp tục quan tâm các mô hình sản phẩm khởi nghiệp như: về kiến thức khởi nghiệp, hoàn thiện về sản phẩm, quảng bá hình ảnh sản phẩm hoặc bao bì làm cho bắt mắt để người tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn. Khi mô hình khởi nghiệp của các chị ổn định thì các chị muốn mở rộng các chị có nhu cầu về vốn thì Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ các chị.

Có thể nói, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở TP.Cao Lãnh đã và đang lan tỏa, thu hút hội viên phụ nữ tham gia, không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương.

Phương Nga