Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp có thêm 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Đồng Tháp có thêm 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định xếp hạng thêm 12 di tích quốc gia trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam và Đồng Tháp.

Trong đó, Đồng Tháp có thêm 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Di tích lịch sử Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, thành phố Cao Lãnh).

Tượng đài Tưởng niệm sự kiện tập kết năm 1954

Tượng đài Tưởng niệm sự kiện tập kết năm 1954 được khánh thành vào ngày 29/10/2019. Công trình Tượng đài Tập kết 1954 tại Cao Lãnh được khởi công xây dựng từ năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2 (tại Bến Bắc Cao Lãnh, Phường 6, thành phố Cao Lãnh) - địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954, với tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng.

Ngày 29/10/1954, mảnh đất Cao Lãnh đã chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, một cuộc chia tay để đoàn tụ - cuộc đưa tiễn đoàn quân, cán bộ, chiến sĩ cuối cùng lên tàu tập kết ra miền bắc. Để ghi nhớ sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh.

100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, đã tạo tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới đầy oanh liệt và hào hùng. Đến nay, sự kiện tập kết, chuyển quân năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời. Tập kết, chuyển quân ra miền bắc là một chủ trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam sau này.

Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra bắc trong 100 ngày của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền bắc vào ngày 29/10/1954.

Việt Tiến