Xuất bản thông tin

null Thành phố Cao Lãnh ghi danh vào Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Thành phố Cao Lãnh ghi danh vào Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO

Ngày 02/9/2022, thành phố Cao Lãnh là thành phố thứ 2 của tỉnh Đồng Tháp sau Sa Đéc được ghi danh “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”. Đây là kết quả sau những nỗ lực đặc biệt của thành phố Cao Lãnh trong tiến trình biến ước mơ học tập suốt đời cho tất cả mọi người trở thành hiện thực. Việt Nam đã có Hải Dương (2015), Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Sa Đéc và Vinh (2020) từng được ghi danh vào Mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO.

Năm 2019, thành phố Cao Lãnh đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo công văn số 121/UBND-THVX, ngày 25/03/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp. Sau khi có văn bản đăng ký của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, UBND thành phố Cao Lãnh đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Hội Khuyến học thành phố tham mưu việc triển khai, tổ chức thực hiện.

Xác định đây là chiến lược dài hơi, cần sự bền bỉ cũng như cải thiện nhận thức của các tầng lớp dân cư, thành phố Cao Lãnh từng bước hoạch định để tiệm cận với mô hình Thành phố học tập toàn cầu. Do đó, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng kế hoạch tổng thể và lộ trình để thực hiện thành phố học tập phù hợp với các tiêu chí của Bộ tiêu chí và điều kiện của thành phố. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo triển khai thực hiện.

Song song đó, thành phố Cao Lãnh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu đến năm 2030 có 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 90% các trường phổ thông triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 100% xã, phường được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”; tiếp tục thực hiện nâng cao các tiêu chí Thành phố học tập. Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Cao Lãnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố học tập cho biết: Được tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu sẽ giúp cho người dân thành phố Cao Lãnh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới. Thứ hai là được tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO. Thứ ba là việc phấn đấu đạt danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” sẽ nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính thành phố Cao Lãnh.

Theo Hội Khuyến học thành phố Cao Lãnh, toàn thành phố hiện có 37.012 gia đình học tập, 312 dòng họ học tập, 70 cộng đồng học tập, 80 đơn vị học tập. Hằng năm, Hội Khuyến học tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thực hiện từ nhiều năm qua như: Tổ Dân phòng - Khuyến học, Gia đình hiếu học/Gia đình học tập, Dòng họ hiếu học/Dòng họ học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã. Lồng ghép nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp. Duy trì việc tổ chức các sự kiện tuyên truyền về học tập suốt đời trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tháng Khuyến học, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Gương sáng hiếu học, trao quà, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo hiếu học hằng năm. Triển khai việc thực hiện các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT về hoạt động thư viện trường học. Qua đó, từng bước hình thành cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông có thói quen đọc sách hằng ngày. Thầy Nguyễn Hồng Thái - Trường THCS Nguyễn Thị Lựu cho biết: Để tạo ý thức học tập cho các em, trường đã tổ chức những ngày hội đọc sách cho học sinh, tổ chức thi viết cảm nhận về những quyển sách mà các em yêu thích, viết bài giới thiệu sách hàng tuần dưới chương trình chào cờ mỗi tuần. Ngoài ra, trường cũng thành lập CLB bộ môn, Ban Giám hiệu hướng các CLB mỗi tháng thực hiện chương trình thi liên quan đến môn học của các em ở chương trình chào cờ để các em yêu thích sách hơn.

Học sinh đọc sách tại thư viện trường học

Trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một trong những nội dung quan trọng để thành phố Cao Lãnh tập trung thực hiện. Năm 2021, Trường Tiểu học Mỹ Trà được công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2,

Để nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với các tiêu chí, thành phố Cao Lãnh đã rất nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng tình hình thực tế. Thư viện của các trường cũng được trang bị đầy đủ đầu sách, báo, phục vụ tốt nhu cầu của bạn đọc đảm bảo các tiêu chí của một “Thư viện tiên tiến”. Thầy Nguyễn Văn Nguyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Trà chia sẻ: Bản thân thấy rất vui vì đã đóng góp một thành tích chung của thành phố và xã Mỹ Trà nói riêng. Vì thế trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị, tiếp tục nâng cao các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư thêm cơ sở vật chất; tập trung công tác khuyến học - khuyến tài, đồng hành cùng các em học sinh.

TP.Cao Lãnh tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Cao Lãnh chia sẻ thêm, mục tiêu chung của xã hội học tập là phải bảo đảm trong tương lai gần, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Học sinh được giải trí với các môn năng khiếu 

Trong tương lai, sẽ có những mô hình tủ sách cộng đồng cũng như các hoạt động thiên về giáo dục được tổ chức nhiều hơn tại Cao Lãnh. Điều này hoàn toàn khả thi vì đặc thù là trung tâm tỉnh lỵ, cùng với điều kiện sẵn có từ cộng đồng dân cư phần lớn hoạt động trong lĩnh vực hành chính công sẽ dễ dàng để thiết lập các mô hình học tập trong dân cư.

Vì vậy, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng thành phố học tập. Xây dựng kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập giai đoạn tiếp theo, Kế hoạch hàng năm về xây dựng thành phố học tập. Xây dựng các chính sách và bố trí kinh phí ngân sách hàng năm của Thành phố để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; đồng thời huy động sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập….

Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín của một thành phố. Nhờ đó, thành phố Cao Lãnh cũng có thêm nhiều khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển thịnh vượng và bền vững.

Mi Lê (TTVH-TT và Truyền thanh)