Xuất bản thông tin

null Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công tường lần thứ 202

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công tường lần thứ 202

Sáng ngày 06/7, tại Khu Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (đường Lê Lợi, Phường 2, TP.Cao Lãnh), UBND TP.Cao Lãnh long trọng tổ chức Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường lần thứ 202.

Tham dự có lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Phước Truyền, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội TP.Cao Lãnh, ông Nguyễn Sự - Anh hùng lao động, nguyên Bí thư thành ủy Hội An, lãnh đạo huyện ủy, thành ủy thuộc các tỉnh bạn và đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự lễ giỗ và thắp hương tưởng nhớ Ông, bà Đỗ Công Tường.

Tại buổi lễ, các đại biểu được xem chương trình sân khấu hóa tái hiện công lao của Ông, bà Đỗ Công Tường được mang tên “Nhớ ơn Ông, bà”.


 

Phát biểu khai mạc lễ giỗ Ông, bà Đỗ Công Tường, bà Lê Thị Mai Trinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi ơn công đức của Ông, bà. Hơn 200 năm rồi, qua bao thế hệ trong tâm thức của người con Cao Lãnh, Ông, bà chính là vị phúc thần luôn bảo hộ cho dân lành, ban cho sự bình an, vượt qua những điều bất trắc, tai ương mang đến sự tốt lành. Với tấm lòng của Ông, bà đã tạo nên giá trị về lòng yêu thương con người, sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách, để cùng dựng xây quê nhà ngày càng giàu đẹp. Tiếp theo đó, ông Phan Văn Thương - Bí thư thành ủy Cao Lãnh đánh trống khai hội.

Lễ giỗ Ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 202 được tổ chức từ ngày 05/7 đến 08/7/2022, nhằm mùng 7 đến mùng 10/6 âm lịch. Ngoài phần lễ, trong chương trình lễ giỗ diễn ra các hoạt động như: trang trí Không gian Văn hóa Góc quê, hội thi làm bánh dân gian, biểu diễn nghệ thuật đường phố, hội diễn lân sư rồng, thi cờ tướng, cờ thế, đá gà nghệ thuật, thi gà đẹp, biểu diễn ảo thuật, giao lưu các nhóm nhảy, đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp, hoạt động các môn thể thao dân tộc, hội thi Trạng nguyên, văn nghệ, biểu diễn thời trang thiếu nhi, Chương trình nghệ thuật do đoàn nghệ thuật đến từ TP. Hồ Chí Minh biểu diễn, đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp; Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022,.v.v.

Đây là hoạt động văn hóa được UBND TP.Cao Lãnh thường xuyên tổ chức nhằm ghi nhớ công lao của ông bà, đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với quảng bá hình ảnh của địa phương.

Theo tài liệu ghi chép, dưới triều vua Gia Long, năm Đinh Sửu (1817), ông bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường; gia tư khá, tánh tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng.

Đất hoang khẩn được ông bà tạo lập một vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên dân trong làng tập trung để mua bán và ông bà cho dựng chòi bằng tre lá thành cái chợ. Qua vài năm, chợ trở nên thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, có người gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh, từ từ nói chạy thành chợ Cao Lãnh ngày nay, thu hút người buôn bán gần xa.

Năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 - 9/6 (âm lịch) thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng từ từ lui.

Phương Nga (TTVH-TT và Truyền thanh)