Xuất bản thông tin

null Nghị lực vươn lên của một phụ nữ khuyết tật

Tin tức, sự kiện Chi tiết bài viết

Nghị lực vươn lên của một phụ nữ khuyết tật

Ở thành phố Cao Lãnh, những tấm gương người khuyết tật nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số đó có chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc, 46 tuổi, ở xã Mỹ Tân, hiện là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Cao Lãnh, dù bị khiếm thị, với tỷ lệ trên 90%, nhưng chị đã không ngại khó, vươn lên, không chỉ phát triển kinh tế mà làm tròn trách nhiệm của mình đối với việc chăm lo người khuyết tật.

Chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc bên máy tính làm việc

Lúc mới sinh ra, chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc, cũng như bao đứa trẻ khác, lành lặn, khoẻ mạnh, đến tuổi trưởng thành vẫn được cha mẹ lo cho đi học bình thường, với sự năng nổ, nhiệt tình, năm 2002 chị Ngọc được lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân mời vào làm Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ ấp 1 và được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Hội LHPN xã Mỹ Tân. Đến năm 2003, chị tiếp tục được UBND xã Mỹ Tân phân công là cán bộ chuyên trách Ban Dân số, gia đình và trẻ em xã. Cùng lúc làm 2 nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành. Chỉ gần 2 năm công tác, mà chị đưa công tác Hội Phụ nữ và công tác dân số của xã đạt nhiều kết quả. Vào những năm đó, vẫn còn không ít gia đình xem trọng con trai hơn con gái, những gia đình sinh con một bề nếu là gái thì muốn sinh thêm để có con trai “nối dõi tông đường”. Trước tình hình đó, chị đã không ngại khó đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, nhờ mưa dầm thấm sâu nên năm 2002, 2003 xã Mỹ Tân đều giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, ngày càng nhiều cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, trong đó có đình sản, một biện pháp tránh thai khó vận động nhất, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thời gian làm công tác Hội phụ nữ, chị luôn quan tâm đến đời sống hội viên, xây dựng nhiều phong trào giúp hội viên cải thiện cuộc sống, tham gia các hội thi do xã, Thành phố tổ chức đều đạt giải cao.

Công việc gặp nhiều thuận lợi như vậy, chị Ngọc đều phấn khởi vì đã đóng góp công sức cho địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng không may đến với người phụ nữ này, khoảng gần cuối năm 2004 chị thường xuyên đau đầu, dần dần 2 mắt bị mờ, đi khám được Bác sĩ cho hay chị bị teo gai dây thần kinh thị không chữa khỏi được, từ người bình thường trở thành khuyết tật lúc tuổi thanh xuân, bao nhiêu ước mơ, hy vọng và kế hoạch làm việc của chị đành gát lại, hiện tỷ lệ nhìn thấy được khoảng 10%. Từ đây chị phải nghỉ làm về nhà là hội viên Hội người mù của thành phố Cao Lãnh. Dù bệnh tật nhưng chị Ngọc không mặc cảm, tự vượt lên số phận. Thấy chị nhiệt tình, tham gia tích cực các hoạt động Hội người mù, năm 2013 chị được UBND thành phố Cao Lãnh phân công làm Phó Chủ tịch Hội người mù Thành phố, đến năm 2019 Hội người mù sáp nhập với Hội Chữ thập đỏ Thành phố, chị tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố, phụ trách người mù. Trong suốt 10 năm công tác, dù khó khăn trong đi lại nhưng chị không ngừng học hỏi, hiện sử dụng chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị) thành thạo, tự viết báo cáo, xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng trên máy vi tính, có thể nói nhiệm vụ nào được giao, đặc biệt là vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho hội viên người mù, người khuyết tật,.v.v. chị đều hoàn thành.

Theo chị Ngọc, khi lập gia đình, cha mẹ cho miếng đất cất nhà tạm, để có cuộc sống ổn định nuôi con, hai vợ chồng chị luôn phấn đấu lao động, sản xuất. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, giờ rảnh chị cùng chồng là anh Huỳnh Thanh Tùng thuê đất nuôi cá, anh Tùng còn làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Nhờ tích góp từ sản xuất cùng với lương hàng tháng khoảng 3 triệu 500 ngàn đồng của mình, hai vợ chồng chị mới xây dựng lại căn nhà khang trang gần 100 triệu đồng, lo cho 2 con ăn học. Con gái lớn đang học Đại học chuyên ngành sư phạm xã hội, trường Đại học Đồng Tháp, con trai nhỏ đang học lớp 1. Cứ mỗi sáng, chị lo cơm nước nhà xong thì được con gái đưa đến cơ quan làm việc, đến cuối giờ chiều lại rước chị về.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố, chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc rất tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, hỗ trợ người nghèo, khuyết tật, người mù. Hàng năm, đến dịp lễ, Tết, Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4), Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12),.v.v, chị vận động mạnh thường quân hỗ trợ hàng trăm phần quà và tiền mặt giúp học sinh nghèo và những hoàn cảnh neo đơn, quan tâm, tạo điều kiện giúp mọi người có thu nhập ổn định. Tính riêng trong năm 2022, chị vận động trên 500 triệu đồng tặng quà cho hội viên người mù, người khuyết tật, dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo.

Chị Ngọc (đứng thú ba từ trái sang) vận động tặng quà cho người khiếm thị 

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của hơn 90 hội viên chị giúp đỡ chân tình bằng cả trái tim, đến nay, nhiều người khuyết tật đã vượt qua mặc cảm vươn lên trong cuộc sống. Đển hình như gia đình chị Đặng Thị Thu Vân, ở xã Mỹ Ngãi, hai vợ chồng chị đều là người khiếm thị, hoàn cảnh rất khó khăn, con gái cũng bị bệnh ở mắt, nếu vận động được phần quà nào, chị Ngọc đều ưu tiên tặng cho gia đình này, ngoài ra còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, hướng dẫn cho chị Đặng Thị Thu Vân làm hồ sơ vay 30 triệu đồng, để chị đầu tư cải tạo lại cơ sở xoa bóp ở phường Mỹ Phú và mua sắm thiết bị  phục vụ chăm sóc sức khoẻ khách hàng. Chị Đặng Thị Thu Vân cho biết: Trong thời gian qua chị Ngọc rất là quan tâm đến hội viên, chị có lòng tốt nói chung có quà là chị Ngọc tặng cho hội viên hết. Trong thời gian em làm chỉ cũng quan tâm tới hỏi thăm, rồi chị cũng có tặng quà như tết, ngày lễ chị quan tâm đến hội viên và em luôn, chị quan tâm đến em thì em có động lực để vươn lên.

Với sự nhiệt tình trong công tác, chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc nhận được nhiều giấy khen của Hội Người mù tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp, UBND thành phố Cao Lãnh về thành tích chăm lo đời sống người mù. Ngoài ra chị cũng đạt nhiều giải cao trong Hội thi gia đình đọc sách dành cho người khuyết tật, do Thư viện tỉnh tổ chức. Sự đóng góp của chị cũng đã góp phần cho Hội Chữ thập đỏ Thành phố luôn hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội. Ông Trần Võ Đông - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố Cao Lãnh nhận xét về người phụ nữ khuyết tật tiêu biểu này: Bản thân của chị Ngọc là người khiếm thị, tuy nhiên với lòng nhiệt huyết của chị Ngọc làm công tác Hội thì chị luôn quan tâm chia sẻ tình cảm, luôn đồng hành những khó khăn của người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố phụ trách lĩnh vực người mù, trong nhiều năm qua chị rất là năng nổ, nhiệt tình trong công tác, chị đã phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, từ góc độ gia đình, xã hội nhiều năm qua đã xuất sắc trong nhiệm vụ của mình. Qua điển hình chị Ngọc như vậy, tôi nghĩ đây là tấm gương tốt cho những người khuyết tật, khiếm thị như chị Ngọc thấy học hỏi, có lòng tự trọng, phấn đấu vươn lên.

Chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc tâm sự, mắt mình rất yếu, nhìn khó khăn cũng còn may mắn hơn nhiều người bệnh tật khác, mình con đôi bàn tay, đôi bàn chân đi lại thì không lý do gì mà mặc cảm, cố gắng vươn lên, làm việc gì có ích cho xã hội là niềm vui của mình. Chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc cho biết về công việc sắp tới: Khi mà giúp được một hoàn cảnh mình cảm thấy vui, hạnh phúc lắm, vì cái niềm hạnh phúc của người ta cũng là niềm hạnh phúc của mình. Trong thời gian tới bản thân tiếp tục quan tâm đến người khuyết tật, người mù, người nghèo để hỗ trợ phần quà, nói chung phần quà tuy không nhiều nhưng hỗ trợ về tinh thần, đời sống để họ cố gắng vươn lên hòa nhập trong cuộc sống.

Có thể nói, nhiều người sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khiếm khuyết. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận, mà luôn nỗ lực vươn lên là tấm gương về nghị lực sống. Những người phụ nữ như chị Lê Trần Thị Mỹ Ngọc thật đáng trân trọng, luôn chia sẻ giúp đỡ những người khuyết tật để không ai bị bỏ lại phía sau.

Phương Nga