Xuất bản thông tin

null Tóm tắt tiểu sử bà Nguyễn Thị Lựu

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Tóm tắt tiểu sử bà Nguyễn Thị Lựu

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Nhân lễ cúng giỗ lần thứ 33 của bà Nguyễn Thị Lựu, ngày 5 và 6 tháng 10 năm 2021 (nhằm 29 tháng 8 và mùng 01 tháng 9 âm lịch). Trang thông tin điện tử thành phố Cao Lãnh xin giới thiệu tóm tắt tiểu sử của bà Nguyễn Thị Lựu, tài liệu do phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Cao Lãnh cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Lựu, tên thật Đỗ Thị Thưởng, bí danh Thu, Cửu (thường gọi Tám Lựu) sinh ngày 23/9/1909 tại làng Hòa An, Quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). 

Là người con gái hiếu hạnh, dũng cảm, mưu trí, có tinh thần yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, năm 1928 Bà được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Qua thành tích hoạt động xuất sắc, Bà được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng vào cuối năm 1929 tại Phong Hoà, Cần Thơ.

Đầu năm 1931, trên cương vị Thường vụ Tổng Công hội đỏ Xứ uỷ Nam Kỳ, Bà bị giặc bắt và kết án 5 năm tù giam. Trước những trận đòn khốc liệt, man rợ, Bà vẫn không chao đảo tinh thần, vững dạ bảo toàn khí tiết Cộng sản.

Năm 1936, được trả tự do Bà tiếp tục trở lại hoạt động tham gia Uỷ ban trù bị Đông Dương Đại hội, nhóm La Lutte (tranh đấu) và viết nhiều bài đăng trên báo.

Năm 1939, Bà bị thực dân Pháp bắt lần thứ 2: giam ở nhà tù Phú Mỹ (Thị Nghè - Gia Định) từ 1939-1941, trại giam Bà Rá (Biên Hòa) từ 1941-1945.

Ngày 09/3/1945, Bà cùng một số đồng chí ở trại tù Bà Rá vượt ngục về Sài Gòn, tham gia hoạt động vận động quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Năm 1946, Bà công tác ở Tỉnh uỷ Châu Đốc, tham gia Ban Dân vận thị xã Châu Đốc, gầy dựng phát triển tờ báo “Anh Thư” của Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Châu Đốc.

Sau đó, Bà giữ các nhiệm vụ: Trưởng Ban Phụ vận Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn (1949); tham gia phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Tiểu ban đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève (1954 - 1958); gia nhập Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Ban Mặt trận Trung ương (1959 - 1961); Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1961 – 1976); Bà là Đại biểu Quốc hội khóa IV, khoá V, khóa VI. Sau ngày giải phóng 30/4/1975 đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban thống nhất của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà nghỉ hưu tháng 7/1979.

Bà từ trần ngày 11/10/1988, hưởng thọ 79 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của Bà rạng rỡ đôi đàng về cách mạng, về tình yêu, thủy chung, kiên cường, bất khuất. Xét công lao to lớn của Bà – người nữ cán bộ trung kiên, Đảng và Nhà nước ta đã tặng Bà nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Tên của Bà được đặt cho trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Lựu ở Phường 4 và một con đường trong thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp./.