Xuất bản thông tin

null Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát

Sáng ngày 03/03, (nhằm ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu). Ban tế tự Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát (1831 -2021).

Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát còn có tên gọi khác là Miếu Thổ thần, hiện tọa lạc tại tổ 13, ấp 4, xã Mỹ Tân, TP,Cao Lãnh. Đây là ngôi miếu thờ Thổ thần do vị tiền chủ lập ra để trông coi phần đất của mình, do nằm bên ngã ba của ba con rạch Ba Sao, Bà Học, Ngã Bát nên miếu có tên miễu Ngã Bát.

Lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Tỉnh và người dân dự lễ

Về tên gọi Ngã Bát được giải thích như sau: Ngày xưa đi ghe xuồng từ ngoài Ba Sao vào, người lái ghe xuồng để tránh nhau, hô “Cạy” là quẹo bên trái, “Bát” là quẹo bên phải. Ngã Bát nằm bên phải rạch Ba Sao nên có tên Ngã Bát. Khi Pháp đánh Nam Kỳ, nhiều lực lượng nghĩa quân nổi lên kháng Pháp, trong đó có nghĩa quân Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều đã rút vô Đồng Tháp Mười lập căn cứ kháng chiến. Rạch Ba Sao thời đó là một trong số những trục đường chính để nghĩa quân ra vào căn cứ Tháp Mười và cũng là đường vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí vào căn cứ. Tại vàm rạch ba Sao vào đến trung tâm căn cứ, nghĩa quân đã cho lập nhiều tháp canh để canh chừng giặc Pháp. Miếu Thành Hoàng Ngã Bát thời đó cũng là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử này.

Ban đầu, đây chỉ là ngôi miếu của gia đình điền chủ Lê Quang Hiển, hằng năm chỉ cúng kiếng đơn giản. Đến năm 1945 nhân dân trong vùng bị bệnh dịch tả hoành hành (làm chết 47 người). Vừa lo thuốc thang trị bệnh, Các bậc cao niên đến miếu Thổ thần ăn chay nằm đất, van vái cầu an mong cho nhân dân trong vùng được hết bệnh, mạnh khỏe thì hàng năm sẽ tổ chức lễ cúng Thần để tạ ơn. Sau 03 ngày đúng như lời nguyện của các vị, nhân dân trong vùng không còn chết vì dịch tả nữa và bệnh dịch cũng lui dần. Trước sự linh ứng đó các vị cao niên đã đứng ra tổ chức cuộc cúng Thần trọng thể vào 2 ngày 19 và 20 tháng giêng âm lịch từ đó đến nay.

Miếu Thành Hoảng nổi tiếng linh thiêng nên dân chúng trong vùng ai cũng kính sợ. Nhiều giai thoại kể về sự linh thiêng của vị thần ngôi miếu đã truyền tụng trong dân gian. Chẳng hạn khoảng năm 1958 Đồn số 13 của Lính Mỹ do ông Bảy Thổ làm trưởng Đồn đã Ngang nhiên đóng quân tại Miếu. Đêm ngủ, ông Bảy Thổ nằm mơ thấy có ông cụ râu dài đến đuổi đi không cho đóng quân và nói nếu không đi sẽ gặp tai họa. Sau khi tỉnh dậy, ông không tin nên không rút đi mà tiếp tục đóng quân. Sau đó lính Đồn nằm canh gác buổi đêm thì bị 02 cột của Miếu ngã đập lên lưng làm bị thương 02 tên. Ông Bảy Thổ sợ quá mới vội vàng rút quân đi nơi khác. Hay một chuyện lạ khác là vào khoản năm 1990 Ban tế tự trong Miếu dự định làm hàng rào cho Miếu và bàn tính đến ngày mùng 9 tháng Chạp thì tiến hành làm. Tới ngày mùng 7 tháng Chạp thì có một khúc gỗ lớn trôi dạt tấp vào bến sông trước ngôi Miếu. Ban tế tự vào Miếu khấn và sử dụng khúc gỗ ấy làm hàng rào cho Miếu.

Bên cạnh cúng Thần. Hằng năm còn có lễ cúng 3 rằm lớn gồm: Tháng Giêng; Tháng 7 Tháng 10.

Hiện Miếu Thành Hoàng thờ phụng Thành Hoàng bổn cảnh, Thổ thần, Tả ban Hữu ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điền chủ Lê Quang Hiển, (vị điền chủ giàu lòng yêu nước, có nhiều công lao với vùng đất cao Lãnh). Trải qua bao dâu bể của chiến tranh, loạn lạc, ngôi miếu vẫn tồn tại đến ngày nay. Miếu thành Hoàng ra đời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cư dân thời khai hoang lập ấp ở vùng đất Ba Sao, là nơi sinh hoạt văn hóa và cũng là chỗ dựa tâm linh cho dân chúng trong vùng.

Dịp này, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp xác nhận lịch sử di tích dân gian Miếu Thần Thành Hoàng Ngã Bát.

Phương Nga